Hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp những loại thuế nào, mức thuế là bao nhiêu?

Trong bối cảnh nhu cầu học thêm ngày càng gia tăng, nhiều cá nhân và nhóm giáo viên đã lựa chọn mô hình hộ kinh doanh để tổ chức hoạt động dạy thêm. Tuy nhiên, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng giảng dạy, hộ kinh doanh dạy thêm cũng cần tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là nghĩa vụ thuế. Vậy hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp những loại thuế nào? Mức thuế cụ thể được tính ra sao? 

Trong phạm vi bài viết này, Luật Kỳ Vọng Việt sẽ làm rõ các quy định pháp luật hiện hành về nghĩa vụ thuế đối với hộ kinh doanh dạy thêm.

1. Giải thích từ ngữ theo quy định pháp luật

a. Dạy thêm, học thêm là gì?

Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

b. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là gì?

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức thực hiện.

c. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là gì?

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm không do nhà trường tổ chức thực hiện.

2. Yêu cầu đối với hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường 

Căn cứ: Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT 

Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

  • Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;
  • Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm;
  • Giáo viên đang dạy học tại trường công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

3. Hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp những loại thuế nào, mức thuế là bao nhiêu?

a. Lệ phí môn bài

Căn cứ: Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP

Hộ kinh doanh dạy thêm được miễn lệ phí môn bài trong các trường hợp:

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

– Miễn lệ phí trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Căn cứ: Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP

Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;

– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Như vậy, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng trong năm dương lịch mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

b. Thuế thu nhập cá nhân và thuế môn bài

Căn cứ: Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC

Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh dạy thêm như sau:

– Nguyên tắc tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thuế GTGT, thuế TNCN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. 

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm:

  + Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ 

  + Nộp hồ sơ thuế đúng hạn

  + Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế 

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

Lưu ý:

Hộ kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch dưới 200 triệu thì không phải nộp thuế TNCN. Quy định này áp dụng từ ngày 01/01/2026.

Trên đây là nội dung tư vấn về Hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp những loại thuế nào, mức thuế là bao nhiêu? Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Zalo: 090.225.5492

Xem thêm:

Bài viết liên quan

090.225.5492