Mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) như một công cụ để huy động nguồn lực tư nhân cả trong và ngoài nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong tình hình hiện nay. Vậy pháp luật Việt Nam quy định về phương thức này như thế nào? Khi soạn thảo, giao kết hợp đồng cần phải lưu ý điểm gì? Bài viết của Elpis Law cung cấp cái nhìn toàn diện về PPP theo quy định pháp luật Việt Nam.
1. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP là gì?
Khái niệm về đầu tư theo phương thức đối tác công tư được mô tả cụ thể tại khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (Luật Đầu tư theo PPP):
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership – sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP được viết tắt từ Public Private Partnership. PPP được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Từ đó thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Phương thức đầu tư này được quy định trong pháp luật đầu tư của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
2. Phân loại hợp đồng dự án phương thức đối tác công tư PPP
Khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư theo PPP quy định các loại hợp đồng dự án này như sau:
Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật này, bao gồm các loại hợp đồng sau đây:
a) Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Build – Operate – Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BOT);
b) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (Build – Transfer – Operate, sau đây gọi là hợp đồng BTO);
c) Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (Build – Own – Operate, sau đây gọi là hợp đồng BOO);
d) Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (Operate – Manage, sau đây gọi là hợp đồng O&M);
đ) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (Build – Transfer – Lease, sau đây gọi là hợp đồng BTL);
e) Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (Build – Lease – Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BLT);
g) Hợp đồng hỗn hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật này.
Điều 45 Luật này hiện đang phân loại 03 nhóm hợp đồng PPP, cụ thể:
Nhóm 1: Áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công. Nhóm này bao gồm:
- Hợp đồng BOT: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Build – Operate – Transfer);
- Hợp đồng BTO: Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (Build – Transfer – Operate);
- Hợp đồng BOO: Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (Build – Own – Operate);
- Hợp đồng O&M: Kinh doanh – Quản lý (Operate – Manage).
Nhóm 2: Áp dụng cơ chế Nhà nước thanh toán trên cơ sở chất lượng sản phẩm, dịch vụ công. Bao gồm:
- Hợp đồng BTL: Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (Build – Transfer – Lease);
- Hợp đồng BLT: Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (Build – Lease – Transfer).
Và nhóm 3 là nhóm hợp đồng hỗn hợp. Đây là hợp đồng kết hợp giữa các loại hợp đồng nhóm 1 và nhóm 2
3. Những nội dung chính trong hợp đồng PPP
Cơ sở pháp lý: Điều 47 Luật Đầu tư theo PPP.
Các nội dung cơ bản trong hợp đồng PPP bao gồm:
- Mục tiêu, quy mô, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án. Thời gian xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng. Thời điểm hợp đồng có hiệu lực, thời hạn kết thúc.
- Yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp.
- Tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn. Phương án tài chính, giá, vốn nhà nước trong dự án. Hình thức quản lý và sử dụng.
- Điều kiện sử dụng đất và tài nguyên khác. Phương án xây dựng công trình phụ trợ. Yêu cầu về bồi thường tái định cư, phương án bảo vệ môi trường. Cách xử lý trong các trường hợp bất khả kháng.
- Thủ tục xin cấp phép theo quy định, thiết kế, thi công, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng xây dựng.
Cùng với đó là các nội dung:
- Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng để đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp liên tục, ổn định.
- Bảo đảm thực hiện hợp đồng, quyền sở hữu, quản lý, khai thác tài sản liên quan đến dự án, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư.
- Phương án xử lý trong trường hợp thay đổi hoàn cảnh theo quy định của pháp luật để tiếp tục hợp đồng. Mức xử phạt, bồi thường trong trường hợp 1 bên vi phạm hợp đồng PPP.
- Trách nhiệm bảo mật thông tin của các bên tham gia hợp đồng.
- Nguyên tắc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.
- Điều chỉnh hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp.
4. Thời hạn của hợp đồng PPP
Điều 51 Luật đầu tư theo PPP quy định thời hạn hợp đồng PPP như sau:
– Thời hạn hợp đồng PPP do các bên tham gia tự thỏa thuận dựa trên quyết định phê duyệt dự án và kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
– Các bên ký kết hợp đồng được điều chỉnh thời hạn hợp đồng nhưng bảo đảm tổng thời hạn hợp đồng. Bao gồm thời gian điều chỉnh không vượt quá thời hạn giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không làm thay đổi các nội dung khác của quyết định chủ trương đầu tư dự án. Các trường hợp điều chỉnh thời hạn hợp đồng bao gồm:
- Chậm trễ hoàn thành giai đoạn xây dựng hoặc gián đoạn trong quá trình vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự vượt quá tầm kiểm soát hợp lý của một bên;
- Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Nhà nước đình chỉ dự án, trừ trường hợp phải đình chỉ do lỗi của doanh nghiệp dự án PPP;
Và:
- Chi phí gia tăng phát sinh do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng chưa được xác định khi ký kết hợp đồng và nếu không được gia hạn thì doanh nghiệp dự án PPP không thể thu hồi các chi phí này;
- Khi có sự thay đổi về quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan làm giảm doanh thu dưới 75% so với mức doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng;
- Khi doanh thu tăng từ 125% trở lên so với mức doanh thu trong phương án tài chính quy định tại hợp đồng.
Như vậy, PPP là phương thức đầu tư mang lại nhiều nguồn lợi cho các bên. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước những rủi ro. Hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!
Zalo: 090.225.5492
Xem thêm:
- Tư vấn đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
- Thủ tục ngừng hoạt động của dự án đầu tư
- Tư vấn thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng 2024
- Thủ tục nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư từ 01/08/2024