Thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất năm 2024

Để hoàn tất thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất năm 2024, người dân cần chuẩn bị hồ sơ và nộp cho Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Để nắm rõ quy định về thủ tục này, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Luật Kỳ Vọng Việt!

1. Thế chấp quyền sử dụng đất là gì?

Căn cứ: Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015

Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Tài sản thế chấp được thể hiện ở các hình thức sau đây:

  • Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất

Căn cứ: Điều 4 Thông tư 07/2019/TT-BTP

Các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm: 

  • Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất.
  • Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất.
  • Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất.
  • Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
  • Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
  • Đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật.
  • Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký.
  • Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp.
  • Xóa đăng ký thế chấp.

Lưu ý:

Trường hợp đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật thực hiện như đối với đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là nhà ở, công trình xây dựng.

3. Điều kiện để quyền sử dụng đất được dùng để thế chấp?

Căn cứ: Điều 118, 119 Luật Nhà ở năm 2014

Đất, nhà ở được dùng để thế chấp cần đáp ứng các điều kiện:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
  • Đất đai, nhà ở không thuộc diện tranh chấp, khiếu nại hoặc khiếu kiện về quyền sở hữu.
  • Đất, nhà ở không thuộc diện bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
  • Đất, nhà ở không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa hay phá dỡ theo thông báo từ cơ quan có thẩm quyền.

4. Thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất

Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm quyền sử dụng đất như sau:

Bước 01: Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ: Điều 27 Nghị định 99/2022/NĐ-CP

Người yêu cầu đăng ký thế chấp Sổ đỏ nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:

  • Phiếu yêu cầu đăng ký theo mẫu (01 bản chính).
  • Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).
  • Bản chính Giấy chứng nhận. (Trừ trường hợp nộp đồng thời hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm với hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất hoặc với hồ sơ chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Bước 02: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai – Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai.

Trường hợp hồ sơ đăng ký đối với quyền sử dụng đất được nộp thông qua Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân xã thì thời hạn giải quyết hồ sơ được tính từ thời điểm Văn phòng đăng ký đất đai nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ.

Cách thức thực hiện:

  • Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;
  • Nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính;
  • Qua thư điện tử  trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Bước 03: Giải quyết hồ sơ

Căn cứ: Điều 35 Nghị định 99/2022/NĐ-CP

Trong thời hạn giải quyết, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện những nhiệm vụ sau:

  • Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, trường hợp không có căn cứ từ chối đăng ký thì Văn phòng đăng ký đất đai ghi, cập nhật nội dung đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ vào sổ đăng ký và Giấy chứng nhận.
  • Sau khi ghi vào sổ đăng ký và Giấy chứng nhận thì chứng nhận nội dung đăng ký và thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào Phiếu yêu cầu đăng ký.
  • Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được lập theo mẫu.

Trường hợp nộp đồng thời hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm với hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất/hồ sơ chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai:

  • Thực hiện việc tiếp nhận cả hai hồ sơ;
  • Thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất. Sau đó thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.

Trên đây là nội dung tư vấn về Thủ tục đăng ký thế chấp sổ đỏ năm 2024. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Zalo: 090.225.5492

Xem thêm:

Bài viết liên quan

090.225.5492