Thành viên góp vốn có được làm kế toán cho công ty không?

Khi công ty thành lập, tùy thuộc vào quy mô mà công ty phải bố trí vị trí phụ trách hay kế toán trưởng. Hoặc nếu doanh nghiệp mới thành lập chưa có đủ kinh phí để có bộ phận riêng thì được phép thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ này. Vậy thành viên góp vốn có thể làm kế toán cho công ty được không? Theo quy định của pháp luật là không thể. Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Luật Kỳ Vọng Việt để được giải đáp!

1. Điều kiện, quyền và trách nhiệm của kế toán trưởng

Khoản 1 Điều 54 Luật kế toán 2015 quy định các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;

b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;

c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;

d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.

Và Điều 55 Luật này quy định về trách nhiệm và quyền như sau:

1. Kế toán trưởng có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;

b) Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật này;

c) Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

2. Kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

2. Những người không được làm kế toán

Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định những người không được làm kế toán như sau:

1. Các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 52 Luật kế toán.

2. Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Người quản lý doanh nghiệp là ai?

Theo khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định giải thích từ ngữ như sau:

24. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Theo quy định trên, thành viên góp vốn của công ty TNHH hai thành viên được coi là thành viên Hội đồng thành viên. Do đó, người đang làm quản lý trong cùng một công ty thì không được làm kế toán.

Như vậy, thành viên góp vốn của công ty TNHH hai thành viên không được làm kế toán của chính công ty.

4. Giám đốc của công ty TNHH một thành viên có được kiêm kế toán trưởng không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, giám đốc của công ty TNHH một thành viên thì vẫn có thể kiêm vị trí này nếu đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Kỳ Vọng Việt. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Zalo: 090.225.5492

Xem thêm:

Bài viết liên quan

090.225.5492