Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa và di cư diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc người không có hộ khẩu tại địa phương có được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hay không trở thành nỗi băn khoăn, thắc mắc cho nhiều người dân. Trước tình hình đó, việc ban hành các quy định pháp lý minh bạch và chi tiết đối với hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất trở thành một yêu cầu cần thiết và mang tính cấp bách.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Kỳ Vọng Việt sẽ làm rõ vấn đề người không có hộ khẩu ở địa phương có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không, dựa trên các quy định hiện hành của pháp luật.
1. Điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là gì?
Căn cứ: Điều 45 Luật Đất đai 2024
Người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng đất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
- Đất không nằm trong tình trạng tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để thi hành án.
- Đất đang trong thời hạn sử dụng hợp pháp.
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2. Những trường hợp đặc biệt nào liên quan đến việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp?
Căn cứ: Khoản 6,7 Điều 45 Luật Đất đai 2024
2.1. Tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp
– Phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.
– Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải có các nội dung chính sau đây:
- Địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất;
- Kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;
- Vốn đầu tư;
- Thời hạn sử dụng đất;
- Tiến độ sử dụng đất.
2.2. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp
– Nếu muốn nhận chuyển nhượng đất trồng lúa vượt quá hạn mức cho phép cần phải:
+ Thành lập tổ chức kinh tế:
- Để nhận chuyển nhượng đất trồng lúa vượt quá hạn mức cho phép, bắt buộc cần phải thành lập tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã…).
+ Lập phương án sử dụng đất:
- Cần lập phương án sử dụng đất chi tiết, thể hiện rõ mục đích, hiệu quả sử dụng đất.
+ Được UBND cấp huyện phê duyệt:
- Phương án sử dụng đất sau khi lập phải được UBND cấp huyện nơi có đất phê duyệt.
– Ngoại lệ:
Trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
3. Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là gì?
Căn cứ: Khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024
– Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
– Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;
– Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.
4. Khu vực hạn chế tiếp cận đất đai
Căn cứ: Điều 10 Nghị định 102/2024/NĐ-CP
– Đối với khu vực hạn chế tiếp cận đất đai (xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển, đảo…), việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
– Quy định này đươc đặt ra với các mục đích sau:
- Đảm bảo an ninh quốc phòng và duy trì trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực có tính chất nhạy cảm.
- Tăng cường công tác quản lý đất đai, ngăn chặn đầu cơ, thâu tóm đất đai gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
- Bảo vệ các khu vực chiến lược, đảm bảo phát triển bền vững và ổn định đất nước.
Kết luận
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không bắt buộc người nhận chuyển nhượng phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi có thửa đất. Tuy vậy, để quá trình chuyển nhượng được thực hiện hợp pháp, người dân cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện và yêu cầu mà pháp luật quy định đối với việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Điều này bao gồm việc kiểm tra kỹ lưỡng các giấy tờ liên quan và đáp ứng các tiêu chí cần thiết nhằm tránh vi phạm quy định pháp lý.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc Người không có hộ khẩu tại địa phương có được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp hay không. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất.
Trân trọng cảm ơn!
Zalo: 090.225.5492
Xem thêm:
- Mẫu đơn khởi kiện vụ án dân sự mới nhất 2024
- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ gia đình
- Mẫn đơn kháng cáo dân sự mới nhất 2024
- Sổ đỏ có bắt buộc ghi tên cả hai vợ chồng?
- Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất
- Diện tích tách thửa đất ở tại Hà Nội năm 2024