Hướng dẫn thủ tục thành lập Hộ kinh doanh năm 2024

Hình thức hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ khá phổ biến và được nhiều gia đình Việt Nam lựa chọn để hoạt động kinh doanh, buôn bán. Vậy thủ tục liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh cá thể năm 2024 như thế nào? Hãy theo dõi bài tư vấn dưới đây của Luật Kỳ Vọng Việt để có thể nắm rõ được quy định pháp luật nhé!

1. Hộ kinh doanh cá thể là gì?

Căn cứ vào điều 79 Nghị định 01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, định nghĩa về hộ kinh doanh cá thể được quy định như sau: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh”.

Ưu điểm của hình thức hộ kinh doanh:

  • Cá nhân không có nhu cầu sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) nhằm tránh phiền hà phức tạp về thuế như phải nộp tờ khai, nộp báo cáo quý, báo cáo tài chính…
  • Với cá nhân hoặc hộ gia đình có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, vốn ít;
  • Cá nhân có nhu cầu hợp pháp hóa hình thức kinh doanh của mình, để có giấy phép khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

2. Thủ tục đăng kí thành lập hộ kinh doanh 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh năm 2024, cần chuẩn bị những giấy tờ như sau:

  • 01 bản giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Mẫu Phụ lục III-1 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)
  • Bản sao hợp lệ CCCD hoặc hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh;
  • Bản sao hợp đồng thuê nhà/ sổ đỏ đối với trường hợp chủ hộ đứng tên địa chỉ hộ kinh doanh.
  • Trường hợp các thành viên trong một hộ gia đình cùng góp vốn đăng ký hộ kinh doanh thì cần: Bản sao hợp lệ CCCD hoặc hộ chiếu của thành viên hộ gia đình; Bản sao hợp lệ biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh; Bản sao hợp lệ văn bản ủy quyền của các thành viên hộ gia đình cho một thành viên trong gia đình làm chủ hộ kinh doanh;
  • Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có ủy quyền);
  • Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh thực hiện đăng ký hộ kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận cho hộ kinh doanh.

  • Khi hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh truyền thông tin đăng ký thành lập hộ kinh doanh sang Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế; Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế nhận thông tin đăng ký thành lập hộ kinh doanh từ hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh truyền sang và tự động kiểm tra sự phù hợp của thông tin theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế.
  • Trường hợp thông tin phù hợp theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động tạo mã số hộ kinh doanh và thực hiện phân cấp cơ quan thuế quản lý đối với hộ kinh doanh; đồng thời truyền các thông tin này sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.
  • Trường hợp thông tin không phù hợp theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động phản hồi về việc thông tin không phù hợp và truyền sang hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.

Bước 3: Trả kết quả

Với hồ sơ hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người đăng ký hộ kinh doanh biết. Với hồ sơ không hợp lệ thì phải thông báo rõ các lý do và yêu cầu sửa đổi bổ sung hồ sơ.

Nếu sau 3 ngày làm việc, người đăng ký hộ kinh doanh không nhận được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Lưu ý khi đăng ký thành lập Hộ kinh doanh

3.1 Lưu ý về đối tượng được đăng ký

Một người chỉ được đứng tên duy nhất một hộ kinh doanh, xét trên phạm vi cả nước. Nếu một người đã là chủ một hộ kinh doanh trước đó, dù không kinh doanh từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa giải thể thì người này không thể đứng tên trên hộ kinh doanh mới (muốn đứng tên hộ kinh doanh mới phải giải thể hộ kinh doanh cũ).

3.2 Lưu ý về cách đặt tên hộ kinh doanh

Tên của Hộ kinh doanh cần phải đặt tuân theo những quy định sau:

  • Tên hộ kinh doanh bao gồm 2 thành tố là Hộ kinh doanh và Tên riêng của hộ kinh doanh
  • Tên hộ kinh doanh không được sử dụng cụm từ công ty hay doanh nghiệp vì sẽ dễ gây nhầm lẫn với loại hình doanh nghiệp.
  • Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của những hộ kinh doanh khác đã đăng ký trong phạm vi huyện.
  • Không sử dụng tiếng anh để đặt tên cho hộ kinh doanh. Nếu có sử dụng phải đảm bảo giữa các ký tự có dấu chấm.

3.3 Lưu ý về địa điểm đăng ký kinh doanh

Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở của hộ kinh doanh. Còn những điểm kinh doanh còn lại phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.

Địa chỉ đăng ký hộ kinh doanh tuyệt đối không được là chung cư – trừ trường hợp hộ kinh doanh đăng ký với mục đích cho thuê nhà để ở. Hoặc địa chỉ đang nằm trong khu quy hoạch của nhà nước thì không được thành lập hộ kinh doanh.

3.4 Lưu ý về ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Hộ kinh doanh được kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện nhưng phải đảm bảo đảm bảo đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.

Trên đây là nội dung tư vấn về Hướng dẫn thủ tục thành lập Hộ kinh doanh năm 2024. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Zalo: 090.225.5492

 Xem thêm:

 

Bài viết liên quan

090.225.5492