Trong bài viết này, Luật Kỳ Vọng Việt sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn nhằm giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên:
1. Công ty TNHH một thành viên là gì?
Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật Doanh nghiệp 2020.
2. Ưu – nhược điểm của công ty TNHH một thành viên?
2.1 Ưu điểm của công ty TNHH một thành viên:
So với các loại hình doanh nghiệp khác, Công ty TNHH một thành viên có những ưu điểm nổi bật sau:
- Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên sẽ có toàn quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến hoạt động của công ty;
- Việc quản lý công ty cũng đơn giản hơn do không cần phải xin ý kiến hay góp ý từ các chủ thể khác;
- Được thừa nhận là một chủ thể pháp lý, được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập;
- Doanh nghiệp sẽ không gặp phải những thay đổi bất ngờ về thể nhân, những biến cố xảy ra với thành viên;
- Chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (Khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020) nên hạn chế được rủi ro của chủ sở hữu khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty do tổ chức làm chủ sở hữu còn có thể tổ chức theo mô hình Hội đồng thành viên (trong đó bầu ra một người làm Chủ tịch Hội đồng thành viên), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020);
- Chủ sở hữu công ty có toàn quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty (Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2020);
- Có thể tăng vốn điều lệ bằng cách góp thêm vốn của chủ sở hữu; huy động thêm vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức khác (Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020) hoặc phát hành trái phiếu.
Lưu ý:
Trường hợp huy động thêm vốn đầu tư của cá nhân, tổ chức khác thì công ty TNHH một thành viên phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
2.2 Nhược điểm của công ty TNHH một thành viên:
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, loại hình Công ty TNHH một thành viên cũng có một số những hạn chế như sau:
- Hệ thống pháp luật điều chỉnh công ty TNHH MTV khắt khe hơn so với DNTN;
- Bị hạn chế trong việc huy động vốn bởi công ty TNHH MTV không được phát hành cổ phiếu;
- Nếu có nhu cầu huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác, sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
3. Hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên
Khi chuẩn bị Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cần chuẩn bị những giấy tờ sau đây:
(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH một thành viên được quy định tại Phụ lục I-2 Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
(2) Điều lệ công ty
Điều lệ công ty bao gồm các thông tin: tên công ty, địa chỉ, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh, thông tin cá nhân của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật…
Ngoài ra, còn có các điều khoản theo quy định của pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp quy định tại mục 2, chương III, Điều 73 đến Điều 87 của Luật Doanh nghiệp 2020.
(3) Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân;
- Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền. Chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thì giấy tờ pháp lý phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Trên đây là nội dung tư vấn về Hồ sơ thành lập công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên năm 2024. Nếu bạn không có thời gian và kinh nghiệp để tự nghiên cứu, chuẩn bị hết tất cả các giấy tờ trên, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!
Zalo: 090.225.5492
Xem thêm:
- Thủ tục thành lập Công ty năm 2024
- Thủ tục hợp nhất doanh nghiệp, công ty TNHH 2 thành viên
- Chuyển đổi Công ty Cổ phần
- Thay đổi đăng ký hoạt động Văn phòng đại diện Công ty cổ phần
- Hồ sơ thay đổi trụ sở chính công ty