Pháp luật Việt Nam quy định một trong những phương thức nhằm để bảo vệ quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là quyền đòi lại tài sản. Để tìm hiểu chi tiết quy định về giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản năm 2024, mời các bạn theo dõi bài tư vấn dưới đây của Luật Kỳ Vọng Việt!
1. Quyền đòi lại tài sản là gì?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, không ai có thể bị hạn chế hay bị tước đoạt trái pháp luật về quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Pháp luật có trách nhiệm bảo vệ các quyền đó một cách hợp pháp.
Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, chủ thể quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản hoặc người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật.
Quyền khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tài sản phát sinh khi người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
2. Đối tượng của tranh chấp đòi lại tài sản?
Đối tượng của tranh chấp đòi lại tài sản là tài sản. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Tuy nhiên, không phải tất cả những tài sản đó đều là đối tượng của tranh chấp đòi lại tài sản. Như vậy, đối tượng của tranh chấp đòi lại tài sản bao gồm:
- Vật: Trường hợp vật không còn tồn tại đó đã mất hoặc tiêu hủy thì cũng không thể khởi kiện đòi lại tài sản;
- Tiền: được coi là một loại tài sản riêng và chủ sở hữu có thể khởi kiện nếu như biết rõ số seri của những tờ tiền đang bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Bởi vậy, trong từng trường hợp tiền có thể được coi là đối tượng hoặc không là đối tượng;
- Giấy tờ có giá được hiểu là các giấy tờ có giá trị bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự, là loại giấy tờ chứng cho quyền tài sản …
3. Để đòi lại tài sản, chủ sở hữu tài sản cần đáp ứng các điều kiện gì?
Chủ sở hữu được lấy lại tài sản khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
- Phải chứng minh được quyền sở hữu đối với tài sản đó;
- Tài sản rời khỏi chủ sở hữu hay rời khỏi người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ hoặc theo ý chí của họ như người thứ ba có vật thông qua giao dịch không đền bù;
- Các chủ thể là đối tượng thực tế đang chiếm giữ tài sản là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình là việc chiếm hữu của một người không có căn cứ pháp luật và người đó biết là không có căn cứ hoặc tuy là không biết nhưng pháp luật buộc phải biết việc chiếm hữu của họ là không có căn cứ;
- Không được đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó;
- Tài sản hiện đang còn trong tay người chiếm hữu bất hợp pháp đối với tài sản đó;
- Tài sản không còn là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền trường hợp khác do pháp luật Việt Nam quy định.
4. Phương thức giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản tại Hà Nội
Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay, các bên có thể lựa chọn việc giải quyết các tranh chấp đòi lại tài sản bằng 04 phương thức như sau:
(1) Thương lượng
-
Khái niệm:
Là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.
-
Ưu điểm:
Phương thức thương lương có ưu điểm là đơn giản, ít tốn kém thời gian, tiền bạc của các bên do được thực hiện bởi cơ chế tự giải quyết thông qua việc các bên tranh chấp gặp nhau bàn bạc, thỏa thuận để giải quyết những bất đồng mà không cần có sự hiện diện của bên thứ ba.
-
Hạn chế:
Kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi thỏa thuận của các bên trong quá trình thương lượng; khi một hoặc các bên tranh chấp không nỗ lực, thiện chí, trung thực trong quá trình thương lượng thì khả năng thành công rất mong manh, mục tiêu và kết quả thương lượng thường không đạt được.
(2) Hòa giải
-
Khái niệm:
Là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ. Hòa giải trong tranh chấp đòi lại tài sản có thể bao gồm hòa giải cơ sở hoặc hòa giải thương mại theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại.
-
Ưu điểm:
Phương thức hòa giải có ưu điểm là thuận tiện, nhanh chóng, linh hoạt và ít tốn kém; ít chịu sự chi phối của các nguyên tắc hay hoạt động của các cơ quan công quyền; do xuất phát từ sự tự nguyện với thiện chí của các bên, phương án hòa giải dễ được các bên thường nghiêm túc thực hiện.
-
Hạn chế:
Giống phương thức thương lượng, kết quả hòa giải thành được thực thi hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp; không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào bảo đảm thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hòa giải; trường hợp hoà giải không thành, không chỉ mất thêm chi phí hòa, bên có quyền lợi bị xâm phạm có thể mất quyền khởi kiện vì thời hiệu khởi kiện không còn (thường xảy ra khi bên kia thiếu thiện chí, lợi dụng hòa giải để dây dưa trì hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình).
(3) Trọng tài thương mại
-
Khái niệm:
Là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện. Thủ tục tố tụng trọng tài và các quy tắc liên quan được thực hiện theo Luật trọng tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây được coi là phương thức đảm bảo quyền tự định đoạt cao nhất của các bên khi mà các bên tranh chấp có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên, địa điểm giải quyết và luật áp dụng.
-
Ưu điểm:
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại sẽ đảm bảo tính bảo mật, nội dung tranh chấp và danh tính của các bên được giữ kín, đáp ứng nhu cầu tin cậy trong quan hệ thương mại; thủ tục trọng tài đơn giản, nhanh chóng; phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm, sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì các bên không có quyền kháng cáo trước bất kỳ một tổ chức hay tòa án nào.
-
Nhược điểm:
Bên cạnh ưu điểm thì biện pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại sẽ chỉ áp dụng đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, chi phí để giải quyết tranh chấp kinh doanh bằng trọng tài khá lớn, không phù hợp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trọng tài tuyên án chỉ sau một cấp xét xử duy nhất, nên các quyết định của trọng tài có thể không chính xác, gây thiệt hại đối với một trong các bên tranh chấp.
(4) Khởi kiện tại Tòa án
-
Khái niệm:
Khởi kiện tại tòa án Là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ.
-
Ưu điểm:
Phán quyết của tòa án bằng bản án, quyết định nhân danh ý chí quyền lực nhà nước và được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh của quyền lực nhà nước; trình tự, thủ tục chặt chẽ do giải quyết thông qua hai cấp xét xử.
-
Hạn chế:
Các bên phải tuân thủ chặt chẽ các quy định mang tính hình thức của tố tụng; quá trình giải quyết tranh chấp có thể bị kéo dài, xử đi xử lại khiến các bên tranh chấp phải chịu bất lợi. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp bằng cách khởi kiện tại Tòa án sẽ kéo theo sự tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc.
Do đó, các bạn hãy sử dụng dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản của Luật Kỳ Vọng Việt để được hỗ trợ tư vấn lựa chọn phương án giải quyết tối ưu nhất!
Trên đây là nội dung tư vấn về Giải quyết tranh chấp đòi lại tài sản năm 2024. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!
Xem thêm:
-
Thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Đông Triều – Quảng Ninh
-
Thủ tục chuyển đổi đất vườn sang đất ở tại Đông Triều – Quảng Ninh