Chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT đối với công ty TNHH MTV

Trong quá trình hoạt động, để phù hợp hơn với tính chất và ngành nghề kinh doanh thì công ty TNHH MTV có thể chuyển đổi phương pháp tính thuế giá trị gia tăng. Vậy khi công ty TNHH MTV muốn chuyển đổi phương pháp tính thuế giá trị gia tăng trong năm 2024 thì thực hiện như thế nào? Để nắm rõ quy định về vấn đề này, mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Luật Kỳ Vọng Việt!

1. Các phương pháp tính thuế GTGT của doanh nghiệp

Căn cứ: Luật Thuế giá trị gia tăng 2008

Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng bao gồm phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Trong đó:

(1) Phương pháp khấu trừ:

  • Chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định.
  • Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp này bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ (-) số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.
  • Đây là phương pháp tính thuế duy nhất mà doanh nghiệp nộp thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu.

(2) Phương pháp tính trực tiếp được áp dụng như sau:

  • Đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng.
  • Đối với doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế theo quy định: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu.

2. Chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT đối với công ty TNHH MTV

2.1 Điều kiện chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT đối với công ty TNHH MTV

Phương pháp tính thuế của công ty TNHH một thành viên được thực hiện ổn định trong thời gian 02 năm.

Do đó, công ty muốn chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT từ phương pháp tính thuế trực tiếp sang phương pháp khấu trừ (hoặc ngược lại) thì chỉ được thực hiện sau khi hết 02 năm này.

Đồng thời, công ty TNHH một thành viên còn phải đáp ứng điều kiện về đối tượng được áp dụng phương pháp tính thuế mà công ty muốn chuyển đổi, cụ thể như sau:

(1) Phương pháp khấu trừ thuế

Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

  • Công ty TNHH một thành viên đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.

  • Công ty TNHH một thành viên đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế 

  • Công ty TNHH một thành viên là bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

Lưu ý:

  • Trường hợp công ty TNHH một thành viên có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì công ty phải hạch toán riêng hoạt động này để nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.

  • Đối với công ty TNHH một thành viên đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có thành lập chi nhánh (bao gồm cả chi nhánh được thành lập từ dự án đầu tư của công ty), nếu chi nhánh thuộc trường hợp khai thuế GTGT riêng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế thì xác định phương pháp tính thuế của Chi nhánh theo phương pháp tính thuế của công ty TNHH một thành viên đang hoạt động. Trường hợp chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu hoặc chi nhánh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố cùng nơi công ty có trụ sở chính nhưng không thực hiện kê khai riêng thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của công ty.

  • Đối với công ty TNHH một thành viên mới thành lập khác không thuộc các trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thì áp dụng phương pháp tính trực tiếp.

(2) Phương pháp tính thuế trực tiếp 

Hình thức tính bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu là hình thức tính thuế được sử dụng chủ yếu và được áp dụng với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc nhóm đối tượng sau:

  • Đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
  • Mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế;
  • Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

2.2 Thủ tục chuyển đổi phương pháp tính thuế đối với công ty TNHH MTV

Trước đây, Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định việc chuyển đổi phương pháp tính thuế, công ty phải thông báo cho cơ quan thuế biết bằng Mẫu 06/GTGT.

Tuy nhiên, hiện nay đã bãi bỏ quy định về việc phải nộp Mẫu 06/GTGT khi chuyển đổi phương pháp tính thuế.

Thay vào đó, việc xác định phương pháp tính thuế GTGT sẽ căn cứ vào hồ sơ khai thuế GTGT mà công ty TNHH một thành viên nộp cho cơ quan thuế. 

Cụ thể:

Nếu công ty TNHH một thành viên muốn áp dụng phương pháp trực tiếp thì:

  • Nộp Tờ khai tính thuế GTGT theo Mẫu 04/GTGT
  • Trường hợp công ty có hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý thì nộp Tờ khai tính thuế GTGT theo Mẫu 03/GTGT

Nếu công ty TNHH một thành viên muốn áp dụng phương pháp khấu trừ thì:

  • Nộp Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu 01/GTGT
  • Đối với các dự án đầu tư thuộc diện hoàn thuế thì nộp Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu 02/GTGT
  • Đối với hoạt động xây dựng, chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn cấp tỉnh nơi đóng trụ sở chính thì nộp Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu 05/GTGT.

Lưu ý:

Các mẫu tờ khai nêu trên được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Trên đây là nội dung tư vấn về Chuyển đổi phương pháp tính thuế GTGT công ty TNHH MTV. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Zalo: 090.225.5492

Xem thêm:

Bài viết liên quan

090.225.5492