Chia doanh nghiệp

Chia doanh nghiệp là gì? Thủ tục chia doanh nghiệp được thực hiện như thế nào? Sau đây luật sư của Luật Kỳ Vọng Việt xin tư vấn và giải đáp như sau:

1. Chia doanh nghiệp 

Chia doanh nghiệp được quy định tại điều 198 Luật doanh nghiệp 2020 cụ thể như sau:

Điều 198. Chia công ty

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Bản chất của chia doanh nghiệp là việc chia công ty thành nhiều công ty mới. Hiểu đơn giản là chia từ công ty A thành công ty B và công ty C cụ thể: A = B+C

Phương thức chia doanh nghiệp: Công ty TNHH và Công ty cổ phần có thể thực hiện việc chia doanh nghiệp dựa trên 03 phương thức sau đây:
– Chia một phần vốn góp: Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.
– Chia thành viên, cổ đông: Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới.
– Kết hợp hai phương thức trên bao gồm vừa chia một phần vốn góp và chia thành viên, cổ đông.

2. Thủ tục chia doanh nghiệp

a. Thủ tục chia công ty TNHH

Bước 1: Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty của công ty bị chia thông qua nghị quyết chia công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Nghị quyết chia công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết.
Bước 2: Thành viên, chủ sở hữu công ty của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới phải kèm theo nghị quyết chia công ty.

b. Thủ tục chia công ty cổ phần

Bước 1: Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua nghị quyết chia công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Nghị quyết chia công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết.
Bước 2: Cổ đông của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới phải kèm theo nghị quyết chia công ty.

3. Hồ sơ chia doanh nghiệp

Hồ sơ chia doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 25. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được thành lập trên cơ sở chia, tách, hợp nhất công ty
1. Trường hợp chia công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần theo quy định tại Điều 198 Luật Doanh nghiệp, ngoài giấy tờ quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới phải có các giấy tờ sau đây:
a) Nghị quyết, quyết định về việc chia công ty theo quy định tại Điều 198 Luật Doanh nghiệp;
b) Bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chia công ty.

Theo quy định này, hồ sơ chia công ty bao gồm:
1. Biên bản họp, quyết định (hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông) về việc chia công ty
2. Nghị quyết, quyết định (hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông) về việc chia công ty
3. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp mới
4. Điều lệ công ty mới
5. Danh sách thành viên, cổ đông công ty mới
6. Bản sao giấy tờ pháp lý của thành viên, cổ đông
7. Văn bản ủy quyền cho người làm thủ tục

4. Thủ tục thuế với công ty bị chia

Sau khi thực hiện chia công ty mới, công ty bị chia sẽ thực hiện chám dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định tại điều 20 nghị định 105/2020/TT-BTC

Điều 20. Đăng ký thuế trong trường hợp tổ chức lại
1. Chia tổ chức
a) Đối với tổ chức bị chia:
Tổ chức bị chia phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Điều 39 Luật Quản lý thuế và Điều 14 Thông tư này.
Căn cứ hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của tổ chức bị chia, cơ quan thuế thực hiện các thủ tục và trình tự để chấm dứt hiệu lực mã số thuế của tổ chức bị chia theo quy định tại Điều 39 Luật Quản lý thuế và Điều 15, Điều 16 Thông tư này.
b) Đối với tổ chức mới được chia:
Các tổ chức mới thành lập từ tổ chức bị chia phải thực hiện thủ tục đăng ký thuế với cơ quan thuế theo quy định tại Điều 31, Điều 32, Điều 33 Luật Quản lý thuế và Điều 7 Thông tư này.
Căn cứ hồ sơ đăng ký thuế của tổ chức mới thành lập từ tổ chức bị chia, cơ quan thuế thực hiện các thủ tục và trình tự để cấp mã số thuế cho người nộp thu theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý thuế và Điều 8 Thông tư này.

5. Hậu quả pháp lý của việc chia doanh nghiệp

– Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.

Trên đây là nội dung tư vấn về chia doanh nghiệp. Quý Khách có nhu cầu tham khảo dịch vụ, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn và hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!
Xem thêm:
Bài viết liên quan

090.225.5492