Xóa án tích là coi như chưa từng bị kết án. Xóa án tích có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với người chấp hành xong hình phạt tù và chấp hành xong thời gian thử thách. Vậy, để những người này được xóa án tích thì phải làm gì. Mời bạn cùng Luật Kỳ Vọng Việt tìm hiểu nhé.
1. Thủ tục để được đương nhiên xóa án tích
– Khoản 1 Điều 369 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định người đương nhiên được xóa án tích yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để được chứng nhận việc đã được xóa án tích
– Hồ sơ yêu cầu cấp Lý lịch tư pháp gồm:
+ Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu)
+ Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
+ Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú hoặc xác nhận cư trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
– Thẩm quyền cấp Phiếu Lý lịch tư pháp:
+ Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;
+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
– Thời hạn giải quyết việc công nhận đương nhiên xóa án tích: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích
2. Thủ tục để được xóa án tích theo Quyết định của Tòa án
Theo khoản 2 Điều 369 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì hồ sơ đề nghị xóa án tích gồm:
+ Đơn đề nghị xóa án tích (theo mẫu)
+ Giấy chứng nhận không phạm tội mới của cơ quan công an xã/phường/thị trấn nơi người bị kết án thường trú cấp.
+ Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù.
+ Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt.
+ Bản sao sổ hộ khẩu (Hiện nay đã bỏ sổ hộ khẩu thì có thể thay thế bằng Xác nhận cư trú hoặc Căn cước công dân gắn chip – tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể Tòa án sẽ có hướng dẫn cụ thể ở giấy tờ này)
+ Bản sao Giấy tờ pháp lý cá nhân (Cụ thể hiện nay là Căn cước công dân gắn chip)
– Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân nơi đã xét xử sơ thẩm vụ án
– Thời gian giải quyết:
+ Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xóa án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp.
+ Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.
+ Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.
+ Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.
Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!