KHÔNG ĐƯỢC BÁN ĐẤT THỜ CÚNG?

Trong các đại gia đình, phần đất tổ tiên để lại luôn được sử dụng làm nơi thờ cúng, việc quản lý nơi thờ cúng này thường được giao cho người con trai cả trong gia đình. Nhưng đa số các gia đình lại không biết thực hiện các thủ tục cần thiết, đảm bảo tính pháp lý để phần đất này chỉ được dùng để thờ cúng. Từ đó phát sinh vấn đề tranh chấp khi người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện thủ tục mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp phần đất này. Vậy làm sao để người thừa kế không được mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp đất thờ cúng?

Luật Kỳ Vọng Việt xin giải đáp cho bạn đọc trong bài viết này.

1. Nguyên nhân người thừa kế được quyền giao dịch “đất thờ cúng”

Tại Việt Nam, đa số người dân không có thói quen lập di chúc để định đoạt tài sản của mình được phân chia như thế nào sau khi chết. Di sản để lại được chia theo pháp luật, đối với phần di sản được thống nhất sử dụng vào việc thờ cúng thì những người thừa kế sẽ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận để một người được hưởng phần di sản này (thường sẽ là con trai cả trong gia đình). Chính vì thói quen này nên có thể phát sinh tranh chấp giữa những người trong gia đình khi người được hưởng phần di sản thờ cúng không thực hiện việc thờ cúng mà đem chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp toàn bộ hoặc một phần di sản mà họ được hưởng theo thỏa thuận.

Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật khi hoàn tất các thủ tục khai nhận di sản thừa kế và đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với những tài sản phải đăng ký thì người được hưởng di sản thừa kế chính thức trở thành chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp pháp của di sản do người chết để lại. Khi đó người thừa kế hoàn toàn được quyền thực hiện các giao dịch liên quan tới tài sản mà họ được hưởng thừa kế và các cá nhân khác không có quyền can thiệp vào giao dịch này.

2. Di sản thừa kế sử dụng vào việc thờ cúng

Di sản thừa kế là tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác, được để lại cho người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc. Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất hoàn toàn có thể được để lại với mục đích sử dụng làm nơi thờ cúng tổ tiên, người hưởng thừa kế di sản này sẽ không được phép mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp. 

3. Làm sao để đảm bảo sử dụng di sản vào việc thờ cúng?

Để có thể thực hiện được đúng nguyện vọng sau khi chết, một phần tài sản để lại (thường sẽ là thửa đất và tài sản gắn liền với đất) sẽ được sử dụng vào việc thờ cúng thì khi còn sống cần lập di chúc để định đoạt toàn bộ tài sản hoặc một phần tài sản sử dụng vào việc thờ cúng.

3.1. Quy định của pháp luật

Điều 645 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định:

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”

3.2. Vận dụng quy định của pháp luật

Khi lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó sẽ được giao cho người được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện đúng việc thờ cúng, nếu người này không thực hiện theo di chúc thì di sản sẽ được giao cho người khác dựa trên sự thỏa thuận của những người thừa kế. Di sản này không bị người thừa kế, quản lý đưa vào những giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp.

Trường hợp nếu toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán hết các nghĩa vụ tài sản (khoản nợ) của người đó thì phần di sản được định đoạt trong di chúc dùng vào việc thờ cúng sẽ được dùng để thanh toán những nghĩa vụ này.

=> Xem thêm Hướng dẫn lập di chúc bằng văn bản

Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết liên quan

090.225.5492