Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu góp vốn thành lập trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam. Vậy điều kiện để thành lập là gì? Trình tự, thủ tục thực hiện ra sao? Tất cả sẽ được Luật sư của Luật Kỳ Vọng Việt giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Nhà đầu tư nước ngoài có được phép thành lập trung tâm ngoại ngữ không?
Theo quy định tại Biểu cam kết dịch vụ WTO mà Việt Nam là thành viên thì Trung tâm ngoại ngữ được xếp vào: “Các dịch vụ giáo dục khác (CPC 929 bao gồm đào tạo ngoại ngữ)”. Ngành này được cam kết như sau:
“Không hạn chế, ngoại trừ: Kể từ ngày gia nhập, chỉ cho phép thành lập liên doanh. Cho phép phía nước ngoài sở hữu đa số vốn trong liên doanh. Kể từ ngày 1/1/2009 sẽ cho phép thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn đầu tư nước ngoài. Sau 3 năm kể từ ngày gia nhập: không hạn chế.”.
Như vậy, Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam, ở thời điểm hiện tại không còn bị hạn chế hình thức đầu tư.
2. Điều kiện thành lập và hoạt động trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài
Một số điều kiện cần đáp ứng khi thành lập và hoạt động trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài bao gồm:
a) Vốn đầu tư:
Dự án phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).
Trường hợp không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có thì mức đầu tư ít nhất 70% (tương đương 14 triệu đồng).
(Tham khảo: Khoản 3 Điều 35 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)
b) Cơ sở, vật chất, thiết bị
– Có phòng học phù hợp về ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy;
– Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/người học đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn;
– Có văn phòng của ban giám đốc, lãnh đạo, phòng giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác.
Lưu ý: Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thuê cơ sở vật chất ổn định theo chu kỳ thời gian ít nhất 05 năm.
(Tham khảo: Khoản 1 Điều 36 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)
c) Chương trình giáo dục
– Có thể giảng dạy:
+ Chương trình giáo dục Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
+ Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ ngắn hạn của nước ngoài trong khuôn khổ các liên kết đào tạo với nước ngoài.
Lưu ý: Chương trình giáo dục phải thể hiện mục tiêu giáo dục không xâm hại đến an toàn quốc gia và lợi ích công cộng, không truyền bá tôn giáo, không xuyên tạc lịch sử, không ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, đạo đức, phong tục tập quán của Việt Nam.
(Tham khảo: Điều 37 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)
d) Đội ngũ giáo viên
– Giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng hoặc tương đương, có ngành đào tạo phù hợp với chuyên môn được phân công giảng dạy;
– Tỷ lệ học viên/giáo viên quy đổi tối đa là 25 học viên/giáo viên.
(Tham khảo: Khoản 1 Điều 38 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)
3. Trình tự, thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ
3.1. Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với dự án
Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư. Đối với nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu. Đối với nhà đầu tư là tổ chức: Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý;
- Đề xuất dự án đầu tư.
- Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm thuê để thực hiện dự án đầu tư;
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
(Tham khảo: Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)
Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư
- Bước 1: Nhà đầu tư kê khai thông tin đầu tư trực tuyến tại địa chỉ fdi.gov.vn
- Bước 2: Nhà đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như đã nêu tại mục 2.1
- Bước 3: In thông tin xác nhận kê khai tại bước 1 và nộp kèm bộ hồ sơ đã chuẩn bị ở bước 2 đến Cơ quan đăng ký đầu tư.
Thời hạn giải quyết: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
3.2. Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Nhà đầu tư lựa chọn một trong 03 loại hình doanh nghiệp: Công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên và thực hiện thủ tục tương ứng như sau:
Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
b) Điều lệ công ty;
c) Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.;
d) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư đã được cấp (bản sao);
e) Giấy tờ pháp lý (bản sao):
+ Đối với cá nhân: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu của chủ sở hữu/ các thành viên/cổ đông
+ Đối với tổ chức:
– Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác
(Lưu ý: Phải hợp pháp hóa lãnh sự với tài liệu của tổ chức nước ngoài)
– Giấy tờ pháp lý của người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức
f) Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Bước 2: Nộp hồ sơ online tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
(Tham khảo: Điều 23, 24, 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
3.3. Xin cấp Giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ
Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:
– Đơn đăng ký hoạt động giáo dục;
– Bản sao có chứng thực:
- Quyết định cho phép thành lập đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục;
– Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện;
– Bản sao chứng thực Xác nhận tài khoản ngân hàng chứng minh nhà đầu tư đã góp đủ vốn;
– Chương trình, kế hoạch, tài liệu dạy học;
– Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng;
– Danh mục trang thiết bị vật chất của trung tâm ngoại ngữ;
– Phương án phòng cháy chữa cháy của trung tâm ngoại ngữ;
– Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy của trung tâm ngoại ngữ;
– Bản sao chứng thực Hợp đồng thuê địa điểm hoặc thỏa thuận nguyên tắc hợp đồng thuê địa điểm để thực hiện dự án. Kèm theo tài liệu này là bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của bên cho thuê địa điểm là tổ chức (có ngành nghề kinh doanh bất động sản); bản sao chứng thực Giấy phép xây dựng; bản sao chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với địa điểm thuê là nhà);
– Danh sách nhân sự và hồ sơ cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Bước 2: Nộp bộ hồ sơ đến Sở Giáo dục và đào tạo nơi đặt Trung tâm ngoại ngữ.
Thời hạn giải quyết: 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
(Tham khảo: Điều 46, 48 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Kỳ Vọng Việt về thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài. Quý Khách có nhu cầu tham khảo dịch vụ, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn và hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!
Xem thêm:
– Thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Bắc Ninh
– Hoạt động đầu tư vào khu công nghiệp Hà Nội