Trong quá trình thu hồi đất có thể xảy ra các sai phạm, trường hợp xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào, sau đây Luật sư của Luật Kỳ Vọng Việt xin tư vấn về vấn đề này như sau:
1. Các sai phạm khi thu hồi đất
Sai phạm trong thu hồi đất có thể xảy ra trong các trường hợp như sau:
– Cơ quan có thẩm quyền thu hồi hồi đất không tiến hành thông báo cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức về kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất trước khi có quyết định thu hồi đất.
– Cơ quan có thẩm quyền không có quyết định thu hồi đất, không có kế hoạch bồi thường, hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức bị thu hồi đất.
– Khi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức không đồng ý thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện cưỡng chế luôn mà không tổ chức vận động, thuyết phục trước, thậm chí có trường hợp tổ chức cưỡng chế khi chưa có quyết định cưỡng chế.
2. Thu hồi đất trái pháp luật phải làm thế nào?
Theo quy định tại Điều 204 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Thu hồi đất trái pháp luật là hành vi hành chính do người hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Do đó, khi người dân bị hành vi hành chính trái pháp luật này xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện để yêu cầu giải quyết.
2.1. Khiếu nại thu hồi đất trái pháp luật
Theo quy định tại Điều 71 Luật Đất đai năm 2013 thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện là cơ quan tổ chức thực hiện thu hồi đất.
Trình tự, thủ tục khiếu nại hành vi thu hồi đất trái pháp luật tuân theo quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 như sau:
– Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc giải quyết bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
– Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án .
– Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.
Như vậy, đối với các quyết định thu hồi đất trái pháp luật thì người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện để được giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
2.2. Khởi kiện thu hồi đất trái pháp luật
Trong trường hợp cá nhân chọn hình thức khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết thu hồi đất trái pháp luật thì thủ tục thực hiện như sau:
– Cá nhân, tổ chức nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện đối với các trường hợp khiếu kiện:
+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;
+ Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
– Cá nhân, tổ chức nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với các trường hợp khiếu kiện:
+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;
+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
+ Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;
+ Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
+ Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
– Nếu đơn khởi kiện đã đúng theo quy định của pháp luật người khởi kiện tiến hành nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Thẩm phán ra quyết định thụ lý vụ án ngay sau khi người khởi kiện nộp biên lai thu tiền cho cho Tòa án.
– Trường hợp người khởi kiện vừa có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.
– Theo quy định, người khởi kiện trong cùng một thời điểm chỉ được chọn một hình thức để giải quyết yêu cầu của mình.
Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!