NHỮNG ĐIỂM TÍCH CỰC TRONG CHẾ ĐỊNH KHỞI KIỆN VÀ THỤ LÝ VỤ ÁN DÂN SỰ TRONG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM

Chế định khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự trong tố tụng dân sự Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa tòa án và các chủ thể tố tụng khác trong quá trình khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự.

Trong Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật tố tụng dân sự 2015), những quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa tòa án và các chủ thể tố tụng khác trong quá trình khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự được quy định thành một chương riêng (Chương XII), từ Điều 186 đến Điều 202, quy định chi tiết những vấn đề phát sinh trong quan hệ giữa nguyên đơn, đại diện của nguyên đơn khi thực hiện quyền khởi kiện của mình như: những quy định về chủ thể khởi kiện; về thời hiệu; về hình thức khởi kiện; v.v. Đồng thời, các nhà làm luật cũng quy định về quan hệ của Tòa án và nguyên đơn, đại diện của nguyên đơn khi tiến hành thụ lý vụ án dân sư như: thụ lý đơn khởi kiện; trả lại đơn khởi kiện; v.v.

Thụ lý vụ án dân sự không phải là một quyền của chủ thể pháp luật, mà nó là một tổ hợp các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền nhằm giải quyết các vụ án dân sự. Khái niệm “thụ lý” các vụ án dân sự được hình thành từ rất lâu trong lịch sử lập pháp và có mối quan hệ biện chứng với quyền khởi kiện của chủ thể pháp luật. Có thể nói, chỉ khi quyền khởi kiện của chủ thể pháp luật được thực thi thì mới có hoạt động thụ lý đơn khởi kiện của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngược lại,chỉ khi hoạt động thụ lý được thực hiện thì quyền khởi kiện của chủ thể pháp luật mới được thực hiện và quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể mới có khả năng được bảo đảm.

Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến các điểm tích cực trong chế định khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, với việc thông qua Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

1. Về quyền khởi kiện

Liên quan đến quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính người đó, các nhà làm luật vẫn giữ nguyên như Bộ luật tố tụng dân sự 2004. Tuy nhiên, quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước (Điều 187), pháp luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tinh thần Hiến pháp và với các văn bản pháp luật khác cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế, cụ thể là:

  • Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
  • Tổ chức đại diện tập thể người lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  • Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ

án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.

  • Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, chủ thể pháp luật có quyền khởi kiện đã được mở rộng hơn so với trước nhằm giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên cơ quan, tổ chức đó cũng như bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của cộng đồng và từng cá nhân trong cộng đồng xã hội, giúp bảo vệ công lý và xây dựng một xã hội pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự “của dân, do dân và vì dân”.

2. Về phương thức nộp đơn khởi kiện

Để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp đơn khởi kiện; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng, chuẩn bị cho việc xây dựng Tòa án điện tử, ngoài phương thức nộp đơn khởi kiện qua dịch vụ bưu chính, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung phương thức gửi đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 190).

3. Về thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện của Tòa án; trả lại đơn khởi kiện

  • Nhận đơn khởi kiện

Nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời và công khai, đề cao trách nhiệm của Tòa án, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể về trách nhiệm của Tòa án khi nhận đơn như sau:

  • Khi nhận đơn, Tòa án phải vào sổ nhận đơn
  • Cấp ngay cho người khởi kiện giấy xác nhận đã nhận đơn nếu nộp trực tiếp
  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện nếu nộp qua dịch vụ bưu chính
  • Người khởi kiện nộp đơn bằng phương thức trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án

Có thể thấy, trách nhiệm của Tòa án trong việc xác nhận đã nhận đơn đã được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự mới. Đây cũng được coi là một điểm tiến bộ rõ rệt, nhằm đảm bảo quyền lợi của người khởi kiện và thể hiện sự bình đẳng, dân chủ giữa Tòa án và chủ thể tham gia tố tụng.

  • Xử lý đơn khởi kiện

Điểm tích cực của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là cơ quan tiến hành tố tụng có thể “tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”. Quy định này giúp rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, bảo vệ quyền lợi của đương sự.

  • Về trả lại đơn khởi kiện

Đây có thể coi là thủ tục có nhiều điểm tích cực nhất trong chế định khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, bao gồm các quy định về các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện (không quy định căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết); xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án của người khởi kiện.

  • Xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện

Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung“.

Quy định nêu trên là một công cụ vô cùng hiệu quả giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trước thực trạng người bị kiện thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ dân sự. Việc yêu cầu Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp này giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và xử lý triệt để hành vi cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ dân sự. Cụ thể hóa quy định này, Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 05/05/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (“Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐTP”) quy định như sau: “Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tống đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau:

  1. Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở “. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
  2. Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị quyết này thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ trụ sở”. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi trụ sở mà không công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan“.
  • Quyền nộp đơn khởi kiện lại của người khởi kiện

Khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:

  1. Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
  2. Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
  3. Đã có đủ điều kiện khởi kiện;
  4. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

Cụ thể hóa quy định này, Điều 7 Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định về Quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án quy định tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

1. Người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

2. Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không quy định căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, vì vậy, Tòa án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp kể từ ngày 01-01-2012, Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết và thời hạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại vụ án đó thì Tòa án xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

3. “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là các trường hợp trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chưa quy định nhưng đã được quy định trong Nghị quyết này, các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

“Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định trong Nghị quyết này là:

a) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết” nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.

b) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó.

c) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết này“.

Như vậy, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã bổ sung thêm quy định về quyền nộp đơn khởi kiện lại của người khởi kiện, bao gồm các trường hợp người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; đủ điều kiện khởi kiện; yêu cầu trước chưa được chấp nhận mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại và các trường hợp khác theo hướng dẫn của Nghị Quyết 04/2014/NQ-HĐTP, trong đó bao gồm các vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản; vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế bị đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện do hết thời hiệu khởi kiện nay được quyền khởi kiện lại theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 (mở rộng thời hiệu thừa kế đối với yêu cầu chia di sản là bất động sản và động sản). Đây thực sự là một tin vui cho những người đang có tranh chấp về thừa kế tài sản, chia tài sản chung là di sản thừa kế nhưng vụ án của họ đã bị Tòa án (trước 01/01/2017) đình chỉ vì lý do hết thời hiệu khởi kiện.

Tóm lại, trong chế định khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay, các nhà làm luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật mới, tích cực, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của chủ thể tham gia tố tụng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Lưu ý: Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết liên quan

090.225.5492