Lừa dối kết hôn có phải ly hôn không?

Sau khi kết hôn được 06 tháng, tôi và gia đình mới biết vợ tôi trước đây là gái mại dâm chứ không phải là giáo viên tiểu học như thông tin vợ tôi chia sẻ. Do đó mẹ tôi bắt tôi phải ly hôn, nếu không bà sẽ yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn này, nhưng tôi rất yêu vợ và không muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân. Việc kết hôn của tôi với cô ấy có bị coi là trái pháp luật không? Việc làm của mẹ tôi đúng hay sai? Cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể bị hủy không?

Sau đây Luật Kỳ Vọng Việt xin tư vấn và giải đáp về vấn đề này như sau:

Lừa dối kết hôn

Trước tiên, cần khẳng định việc vợ bạn đã từng là gái mại dâm nhưng cố tình giấu giếm quá khứ đồng thời còn nói dối là giáo viên tiểu học thì thuộc trường hợp lừa dối kết hôn. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định “Lừa dối kết hôn” là một trong những hành vi bị cấm.

Tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định: Lừa dối kết hôn là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn”. 

Theo quy định trên, trường hợp của vợ chồng bạn có thể xác định là vi phạm điều kiện kết hôn.

Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật như sau:

“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.”

Mẹ của bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật của vợ chồng bạn. 

Bạn và vợ bạn đang còn rất yêu nhau, bạn cũng đã bỏ qua quá khứ của cô ấy và không muốn ly hôn. Trong trường hợp mẹ của bạn thực hiện quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP, nếu khi kết hôn có bị cưỡng ép hoặc bị lừa dối, nhưng sau đó vợ chồng đã thông cảm với nhau, chung sống hoà thuận thì Tòa án sẽ xem xét không hủy việc kết hôn trái pháp luật này.

Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Xem thêm: Bố mẹ có quyền yêu cầu con ly hôn không?

Bài viết liên quan

090.225.5492