GIẢI QUYẾT THUẬN TÌNH LY HÔN BẰNG BIỆN PHÁP HÒA GIẢI

Hòa giải để giải quyết vụ việc dân sự là một trong những thủ tục tại Tòa án. Đối với việc giải quyết thuận tình ly hôn thì các buổi hòa giải là một trong những quy trình bắt buộc phải thực hiện. 

Hòa giải khi thực hiện giải quyết thuận tình ly hôn

 

1. Quy định của pháp luật về thuận tình ly hôn

Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

Như vậy, khi hai vợ chồng nhận thấy không thể chung sống với nhau được nữa và đồng ý ly hôn mà không có bất kỳ tranh chấp nào thì được Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

2. Khái quát về thủ tục giải quyết ly hôn thuận tình

Ly hôn thuận tình sẽ được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn thì pháp luật khuyến khích các bên hòa giải tại cơ sở để tự thỏa thuận, tự giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn với nhau. Nếu mâu thuẫn giữa vợ chồng không thể hòa giải, quan hệ hôn nhân không thể tiếp tục thì vợ, chồng làm đơn yêu cầu giải quyết ly hôn gửi tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.

Tuy trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn các bên đã được hòa giải tại cơ sở nhưng khi tiến hành giải quyết vụ việc, Tòa án bắt buộc phải tiến hành các buổi hòa giải theo quy định.

Như vậy, Hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc khi giải quyết ly hôn. Thủ tục hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

3. Quy định của pháp luật về biện pháp hòa giải khi giải quyết ly hôn

3.1. Hòa giải tại cơ sở

Hòa giải tại cơ sở là thủ tục không bắt buộc khi giải quyết ly hôn. Việc tiến hành hòa giải tại cơ sở chi được thực hiện khi hai bên vợ chồng có nhu cầu. Việc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở phải tuân thủ các nguyên tắc về hòa giải tại cơ sở theo Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

3.2. Hòa giải tại Toà án

Hòa giải tại Tòa án đối với trường hợp ly hôn thuận tình được áp dụng theo quy định tại Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể:

– Trước khi thực hiện hòa giải: Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan để có có hướng hòa giải cho phù hợp.

– Thủ tục tiến hành hòa giải tại Tòa án:

Bước 1: Thẩm phán phổ biến quyền và nghĩa vụ của các đương sự; phân tích kết quả nếu hai vợ chồng đoàn tụ;

Bước 2: Các đương sự trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu căn cứ để bảo vệ cho yêu cầu ly hôn của mình và đề xuất những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết (nếu có);

Bước 3: Thẩm phán xác định và kết luận những vấn đề hai vợ chồng đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu bổ sung, trình bày những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

Bước 4: Thẩm phán lập biên bản và ra các quyết định

Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện: hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; hai bên đã thỏa thuận được với nhau việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng và chăm sóc, giáo dục con cái; sự thỏa thuận đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án ly hôn để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.

Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Xem thêm: Giải quyết phân chia tài sản và quyền nuôi con khi ly hôn

Bài viết liên quan

090.225.5492