Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là một trong những hình thức đầu tư phổ biến theo quy định của pháp luật Việt Nam, cho phép các bên hợp tác phân chia lợi nhuận mà không cần thành lập tổ chức kinh tế mới.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Kỳ Vọng Việt sẽ trình bày rõ Điều kiện và trình tự, thủ tục đầu tư theo hình thức BCC để nhà đầu tư nắm bắt và thực hiện đúng quy định.
📌Tình huống:
Một nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để triển khai dự án du lịch thông minh, trong đó ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động du lịch. Hình thức hợp tác được lựa chọn là Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
📌Câu hỏi của nhà đầu tư:
- Hình thức Hợp đồng BCC tại Việt Nam được quy định ra sao? Cụ thể:
- Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài tham gia dự án theo hình thức BCC.
- Trình tự, thủ tục đầu tư đối với hình thức này tại Việt Nam.
Giải đáp tình huống
I. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Business Cooperation Contract – BCC)
Căn cứ: Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020
Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
II. Quy định về đầu tư theo hình thức BCC
Căn cứ: Điều 27 Luật Đầu tư 2020
– Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
– Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
III. Điều kiện đầu tư theo hình thức BCC
Căn cứ: Khoản 3 Điều 36, Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP Điều 6, Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường 2020
– Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư: Dự án ứng dụng AI vào du lịch không thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư.
– Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường: Nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như nhà đầu tư trong nước, trừ các ngành nghề:
+ Chưa được tiếp cận thị trường (kinh doanh vũ khí, mại dâm, pháo nổ, hóa chất độc hại, động thực vật hoang dã cấm…)
+ Có điều kiện tiếp cận thị trường (dịch vụ bảo vệ, súng bắn sơn, quân trang…)
→ Dự án du lịch thông minh ứng dụng AI không thuộc ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường.
1. Về địa điểm đầu tư:
– Nhà đầu tư được đề xuất địa điểm đầu tư, trừ các địa điểm bị cấm theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh (khu vực quân sự, khu vực trọng yếu về quốc phòng – an ninh; khu vực biên giới, hải đảo, ven biển) bảo vệ di tích.
– Dự án đầu tư có quy mô lớn hoặc gần các khu vực bảo tồn, ven biển, rừng phòng hộ,… có thể phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
2. Về vốn đầu tư:
Nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính bằng một trong các tài liệu sau:
– Báo cáo tài chính đã kiểm toán (2 năm gần nhất, được kiểm toán độc lập);
– Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng thương mại;
– Cam kết tài chính từ tổ chức tài chính (Thư bảo lãnh ngân hàng hoặc hợp đồng tín dụng từ ngân hàng).
3. Về thông tin nhà đầu tư:
– Phải xác định rõ quốc tịch, tư cách pháp lý để áp dụng đúng quy định pháp luật đầu tư.
Kết luận:
Trên cơ sở đáp ứng các điều kiện trên, nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác đầu tư tại Việt Nam theo hình thức Hợp đồng BCC.
IV. Trình tự, thủ tục đầu tư theo hình thức BCC
Căn cứ: Điều 27, Điều 33, Điều 38 Luật Đầu tư 2020 và Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP Khoản 1 Điều 20 Nghị định 23/2015/NĐ-CP Khoản 1 Điều 8 Nghị định 70/2014/NĐ-CP
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
+ Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (mẫu I-3, Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT);
- Bản sao hộ chiếu/giấy phép thành lập (đối với nhà đầu tư nước ngoài – hợp pháp hóa lãnh sự nếu cần);
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với nhà đầu tư trong nước);
- Hợp đồng BCC đã ký kết;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính: báo cáo tài chính, thư bảo lãnh, xác nhận số dư…;
- Đề xuất dự án đầu tư (mục tiêu, quy mô, lĩnh vực, vốn, tiến độ…);
- Giấy ủy quyền (nếu nộp qua đại diện).
+ Cơ quan tiếp nhận: Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi thực hiện dự án
+ Thời gian giải quyết: 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
– Bước 2: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai dự án
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện:
- Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép;
- Thiết lập văn phòng điều hành để triển khai và quản lý dự án tại Việt Nam (nếu cần);
- Thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đã đăng ký;
- Xin giấy phép con theo từng lĩnh vực cụ thể (du lịch, môi trường, công nghệ…) nếu pháp luật có yêu cầu.
Trên đây là nội dung tư vấn về Điều kiện và trình tự, thủ tục đầu tư theo hình thức BCC. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất.
Trân trọng cảm ơn!
Zalo: 090.225.5492
Xem thêm:
- Trình tự, thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất
- Tặng cho quyền sử dụng đất cho con
- Khởi kiện để chia di sản thừa kế cho hộ gia đình
- Quyền lợi công chức, viên chức khi Nhà nước thu hồi đất
- Đền bù thu hồi đất nông nghiệp 5%