Trong cuộc sống thường ngày, giao dịch dân sự là hoạt động xảy ra phổ biến, là nhu cầu thiết yếu của xã hội. Khi tham gia giao dịch dân sự, các chủ thể thể hiện ý chí thông qua những hành vi pháp lý nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, đây là căn cứ làm phát sinh quan hệ pháp luật dân sự. Điều 116 BLDS 2015 định nghĩa: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Tuy nhiên, một giao dịch dân sự có hợp pháp hay không còn phụ thuộc vào những điều kiện nhất định do pháp luật quy định – đó là các điều kiện có hiệu lực của giao dịch nhằm đảm bảo quan hệ dân sự được hình thành trên cơ sở tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Chỉ những giao dịch hợp pháp, đáp ứng các điều kiện được pháp luật quy định mới làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa những chủ thể tham gia giao dịch.
Điều 117 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a, Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b, Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c, Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”
Trong đó:
(i) Điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch dân sự
Chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập. Cá nhân là chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự tham gia nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các giao dịch dân sự. Cá nhân tham gia các giao dịch dân sự phù hợp với mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân đó theo quy định của pháp luật. Đối với pháp nhân thì phụ thuộc vào mục đích thành lập, nhiệm vụ của pháp nhân hoặc phụ thuộc vào nội dung đăng ký kinh doanh để xác định loại giao dịch phù hợp với năng lực chủ thể của pháp nhân. Pháp nhân tham gia vào giao dịch dân sự thông qua người đại diện của pháp nhân. Người đại diện của pháp nhân ngoài việc đáp ứng tư cách đại diện theo pháp luật (hoặc theo ủy quyền) của pháp nhân thì cũng cần đáp ứng điều kiện về năng lực chủ thể tham gia giao dịch dân sự. BLDS 2015 quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì tham gia quan hệ dân sự thông qua các thành viên hoặc thông qua một thành viên là đại diện theo sự ủy quyền của các thành viên còn lại. Thành viên là đại diện tham gia giao dịch dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Đối với hộ gia đình sử dụng đất, ngoài những quy định chung của BLDS về tài sản chung, trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình, việc xác định địa vị pháp lý của hộ gia đình sử dụng đất còn được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.
(ii) Điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch dân sự
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà chủ thể mong muốn đạt được khi tham gia giao dịch dân sự. Những thỏa thuận của các bên chủ thể tham gia giao dịch dân sự thể hiện qua các nội dung được các bên trao đổi bằng miệng hoặc được ghi nhận bằng văn bản xác định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia giao dịch. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ giao dịch, các chủ thể có quyền “tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận” nhằm đáp ứng lợi ích mà các bên mong muốn đạt được nhưng mọi hành vi, thỏa thuận không được vi phạm những điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
(iii) Điều kiện về sự tự nguyện khi xác lập giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự được xác lập là kết quả của sự tự do thỏa thuận, bày tỏ ý chí và thể hiện ý chí của các bên tham gia giao dịch. Nội dung của giao dịch dân sự phù hợp với mục đích chủ thể tham gia mong muốn và không trái quy định của pháp luật. Do vậy, để giao dịch dân sự thể hiện được đúng mong muốn của chủ thể tham gia giao dịch thì chủ thể tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị cưỡng ép hay đe dọa.
(iv) Điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự
Hình thức của giao dịch dân sự là phương thức thể hiện nội dung của giao dịch. Các bên chủ thể có quyền lựa chọn hình thức phù hợp để xác lập giao dịch. Tuy nhiên, trường hợp luật quy định hình thức bắt buộc thì các bên phải tuân theo. Đối với một số hình thức bắt buộc (phải bằng văn bản, văn bản công chứng, chứng thực, phải đăng ký giao dịch) nếu vi phạm thì giao dịch dân sự sẽ vô hiệu.
Lưu ý: Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!