Cưỡng ép kết hôn

Ông bà N có con trai đã 25 tuổi, bị bệnh đao bẩm sinh. Vì muốn lấy vợ cho con trai, bà N đã tìm cách vu khống cho chị T – người giúp việc lấy trộm số tiền 5.000.000 đồng. Bà N đe dọa nếu chị T không muốn bị báo công an, không muốn bị đi tù thì phải lấy con trai bà, vừa được làm chủ nhà, không phải làm người giúp việc lại có cuộc sống sung túc. Vì nhận thức hạn chế, trình độ văn hóa thấp nên chị T đã đồng ý lấy con trai bà N. Hôn lễ chỉ tổ chức giữa hai gia đình mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn tại phường. Việc làm của bà N có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?

Sau đây Luật Kỳ Vọng Việt xin tư vấn và giải đáp về vấn đề này như sau:

Cưỡng ép kết hôn

Trong trường hợp này, hành vi của bà N là vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thì cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Bà N đã thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn.

Hành vi cưỡng ép kết hôn bị cấm theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

Theo Điểm c Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi cưỡng ép người khác kết hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, những trường hợp đã vi phạm và bị xử phạt hành chính nếu còn cố ý thực hiện hành vi thì có thể bị xử lý hình sự. 

Điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, Bà N đã dùng thủ đoạn gian dối để vu cáo cho chị T là có hành vi trộm cắp tài sản, từ đó uy hiếp tinh thần chị T và đe dọa, buộc chị phải kết hôn với con trai mình. Hành vi của bà N là vi phạm pháp luật và tùy tính chất, mức độ vi phạm, bà N sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định trên.

Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Xem thêm: Tội cưỡng ép kết hôn

Bài viết liên quan

090.225.5492