CÓ ĐƯỢC XÂY NHÀ TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP KHÔNG?

Chỉ có đất nông nghiệp nhưng lại muốn xây nhà đang là nhu cầu mà rất nhiều người dân tại các vùng nông thôn muốn thực hiện. Vậy xây nhà trên đất nông nghiệp được pháp luật quy định như thế nào? Trường hợp nào thì được xây? Các rủi ro đi kèm. Luật sư của Luật Kỳ Vọng Việt sẽ làm rõ trong bài viết hôm nay.

Quy định về xây nhà trên đất nông nghiệp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 về phân loại đất thì: Đất nông nghiệp bao gồm: đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm muối; đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Như vậy, đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013, một trong những nguyên tắc sử dụng đất là “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.

Như vậy, việc xây nhà trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất sai mục đích và không được phép thực hiện.

Trường hợp nào được xây nhà trên đất nông nghiệp?

Như đã phân tích ở trên thì người sử dụng đất không được xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.

Trường hợp người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp và muốn xây dựng nhà để ở trên diện tích đất này thì trước tiên phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở (hay thực tế còn gọi là đất thổ cư). Đây là trường hợp phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích theo quy định của pháp luật (Điểm d Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013).

Thực trạng, rủi ro khi xây nhà trên đất nông nghiệp

Trên thực tế hiện nay, trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp diễn ra rất phổ biến. Các ngôi nhà, công trình để ở từ tạm bợ đến kiên cố mọc lên ở những khu vực được quy định để trồng cây hàng năm, cây lâu năm hay thậm chí là đất trồng lúa.

Khi cố tình xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, người dân sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro:

Bị xử phạt hành chính:

Xây nhà ở trên đất nông nghiệp khi chưa xin phép chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm quy định của pháp luật.

Khi đó, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 9, 10 và 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP.

Tùy vào loại đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất khác,..), diện tích vi phạm, khu vực có đất (thành thị hay nông thôn) và đối tượng thực hiện hành vi vi phạm (là tổ chức hay cá nhân) mà mức phạt có thể dao động từ hai triệu đến năm trăm triệu đồng.

Bị thu hồi nhà đất mà không được bồi thường

Nếu tổ chức, cá nhân xây nhà trên đất nông nghiệp (sử dụng sai mục đích sử dụng đất) và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm sẽ bị thu hồi đất theo điểm a Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 và Khoản 2 Điều 34 Nghị định 47/2014/NĐ-CP.

Khi đó, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi sẽ không được bồi thường về đất. Đối với tài sản là nhà gắn liền trên đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 92 Luật Đất đai, đây là một trong những trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất. Vì vậy người sử dụng đất cũng sẽ không được bồi thường với nhà xây dựng ở trên này.

Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết liên quan

090.225.5492