Chấm dứt hợp đồng lao động do tái cơ cấu hoặc khó khăn kinh tế là căn cứ hợp pháp theo quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải tuân thủ đúng trình tự và thủ tục pháp lý.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Kỳ Vọng Việt sẽ làm rõ vấn đề Chấm dứt hợp đồng lao động do tái cơ cấu, kinh tế dựa trên các quy định hiện hành của pháp luật.
📌Tình huống:
Từ ngày 09/4/2025, Hoa Kỳ áp thuế tăng thêm 10% trong 90 ngày với hàng hóa nhập từ Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn. Một doanh nghiệp sản xuất da giày buộc phải thu hẹp sản xuất, tái cơ cấu tổ chức do đơn hàng giảm mạnh, dự kiến đơn phương chấm dứt HĐLĐ với một số lao động.
📌Câu hỏi của doanh nghiệp:
1. Việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì lý do kinh tế hoặc tái cơ cấu có hợp pháp không?
2. Nếu được, cần thực hiện những thủ tục gì để đúng luật?
Giải đáp tình huống
I. Doanh nghiệp có được quyền chấm dứt HĐLĐ vì lý do kinh tế hoặc tái cơ cấu không?
Doanh nghiệp không có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động chỉ vì lý do kinh tế hoặc tái cơ cấu, mà phải thực hiện việc cho thôi việc theo trình tự luật định nếu thuộc các trường hợp sau:
1. Các trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ:
Căn cứ: Điều 36 Bộ luật lao động 2019
– Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng (theo tiêu chí đánh giá nội bộ).
– Người lao động ốm đau kéo dài, đã điều trị nhưng chưa hồi phục khả năng lao động.
– Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, di dời/thu hẹp sản xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước.
– Các lý do khác như:
+ Nghỉ quá hạn sau khi tạm hoãn HĐLĐ;
+ Đủ tuổi nghỉ hưu;
+ Tự ý bỏ việc từ 5 ngày liên tục trở lên;
+ Cung cấp thông tin không trung thực khi giao kết HĐLĐ.
2. Chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do kinh tế hoặc tái cơ cấu
Căn cứ: Khoản 1, Khoản 2 Điều 42 Bộ luật lao động 2019 Khoản 31 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020
a. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ:
– Thay đổi cơ cấu tổ chức: sửa đổi cơ cấu quản lý, tổ chức lại bộ phận, hợp nhất, chia, tách hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động.
– Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm: doanh nghiệp thay đổi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, loại bỏ sản phẩm, tái định vị chiến lược dẫn đến giảm nhu cầu lao động.
b. Trường hợp vì lý do kinh tế:
– Khi có khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế: phải chứng minh được tình trạng suy giảm nghiêm trọng nền kinh tế, có biểu hiện rõ rệt như đình trệ sản xuất, mất khả năng thanh toán, gia tăng thất nghiệp…
– Khi thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế hoặc cam kết quốc tế.
– Lưu ý trong tình huống nêu trên:
Mức thuế suất tăng 10% từ phía Hoa Kỳ tuy ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nhưng chưa đủ để được coi là khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đây có thể được xem là một yếu tố dẫn đến việc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tổ chức lại lao động, tức là thay đổi cơ cấu tổ chức – một căn cứ hợp pháp để cho thôi việc một số người lao động.
II. Thủ tục cần thực hiện để đảm bảo chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật
Căn cứ: Điều 42, 44, 45, 47, 48 Bộ luật lao động 2019 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
Bước 1: Ban hành quyết định thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động
Doanh nghiệp phải ban hành văn bản thể hiện rõ lý do, sự cần thiết và nội dung thay đổi cơ cấu tổ chức hoặc lý do kinh tế dẫn đến việc giảm lao động.
Bước 2: Xây dựng và công khai phương án sử dụng lao động
– Phương án sử dụng lao động phải có nội dung chi tiết như danh sách người tiếp tục làm việc, người được đào tạo lại, người được bố trí công việc khác, và người phải chấm dứt hợp đồng lao động.
– Phương án này phải được thông báo công khai và lấy ý kiến công đoàn (nếu có) ít nhất 15 ngày trước khi thực hiện.
Bước 3: Thực hiện việc trao đổi ý kiến và thông báo
– Trước khi chấm dứt HĐLĐ vì thay đổi cơ cấu, doanh nghiệp phải trao đổi ý kiến với công đoàn cơ sở.
– Trước thời hạn chấm dứt HĐLĐ 30 ngày, doanh nghiệp phải thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.
Bước 4: Thông báo chấm dứt và ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động
– Khi chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động thì doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt.
– Sau khi thông báo, doanh nghiệp ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, ghi rõ lý do chấm dứt do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động hay vì lý do kinh tế.
Bước 5: Chi trả trợ cấp và thanh toán các khoản liên quan
a) Trợ cấp mất việc:
– Doanh nghiệp trả trợ cấp mất việc cho NLĐ đủ điều kiện tham gia BHTN, làm việc từ 12 tháng.
– Được hưởng trợ cấp 1 tháng lương cho mỗi năm làm việc, nhưng ít nhất bằng 2 tháng lương.
– Tiền lương tính trợ cấp mất việc là tiền lương bình quân 6 tháng liền kề theo hợp đồng.
b) Thanh toán các khoản chi phí có liên quan:
– Trong 14 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên phải thanh toán đầy đủ: lương, trợ cấp,…
– Thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, thời hạn kéo dài không quá 30 ngày.
– Ngoài ra phải hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu doanh nghiệp đã giữ của người lao động.
Trên đây là nội dung tư vấn về Chấm dứt hợp đồng lao động do tái cơ cấu, kinh tế. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất.
Trân trọng cảm ơn!
Zalo: 090.225.5492
Xem thêm:
- Trình tự, thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất
- Tặng cho quyền sử dụng đất cho con
- Khởi kiện để chia di sản thừa kế cho hộ gia đình
- Quyền lợi công chức, viên chức khi Nhà nước thu hồi đất
- Đền bù thu hồi đất nông nghiệp 5%