Các khoản tiền được đòi khi yêu cầu trả nợ

Giao dịch vay nợ là một trong số các giao dịch phổ biến nhất trong xã hội, bất kỳ ai cũng có thể là người cho vay hoặc người đi vay. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các bên trong giao dịch vay nợ cũng thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ dẫn tới thiệt hại cho bên còn lại (Chủ yếu bên bị thiệt hại sẽ là bên cho vay). Phương pháp hữu hiệu nhất để khắc phục thiệt hại, yêu cầu trả nợ khoản tiền đã cho vay hoặc yêu cầu trả lại tài sản là khởi kiện tại Tòa án nhân dân, sau đó yêu cầu thi hành án để bảo đảm cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Vậy, đối với các giao dịch vay nợ tiền thì bên cho vay có thể được đòi những khoản tiền gì khi yêu cầu trả nợ?

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, khi khởi kiện để giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thì bên cho vay có thể yêu cầu bên vay tài sản phải trả các khoản tiền sau:

1. Trong trường hợp Hợp đồng vay không có thỏa thuận về lãi suất thì người vay nợ phải trả các khoản sau:

– Hoàn trả tiền nợ gốc còn lại;

Tiền nợ gốc chưa trả = Tiền nợ gốc – Tiền nợ gốc đã trả.

– Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn:

Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất là 10%/năm trên số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x 10% x (thời gian chậm trả nợ gốc).

2. Trong trường hợp Hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi suất thì người vay nợ phải trả các khoản sau:

– Hoàn trả tiền nợ gốc còn lại;

Tiền nợ gốc chưa trả = Tiền nợ gốc – Tiền nợ gốc đã trả.

– Tiền Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả: tính theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng (nhưng không được vượt quá 20%/năm), trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất thì xác định lãi suất là 10%/năm. Thời gian tính lãi tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng.

Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc 10%/năm) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).

– Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả: Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi với mức lãi suất là 10%/năm tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x 10% x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc).

– Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả: Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 15%/năm.

Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc).

Lưu ý:

Tất cả các khoản tiền lãi phát sinh, bên cho vay có thể yêu cầu bên phải trả nợ trả lãi tính cho tới ngày bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Khoản tiền được nêu trong bản án, quyết định của Tòa án chỉ mang tính chất khẳng định số tiền tính tới ngày khởi kiện hoặc ngày xét xử. Sau ngày xét xử, thời gian tiếp diễn vẫn được tính vào thời gian chậm trả nợ để làm căn cứ tính tổng giá trị bên vay nợ phải trả.

Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng, vay nợ

Bài viết liên quan

090.225.5492