Bên cạnh việc phân chia tài sản do người chết để lại thì việc giải quyết những khoản nợ mà khi còn sống, người chết có nghĩa vụ phải thanh toán cũng là vấn đề cần giải quyết khi tiến hành chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Câu hỏi được đặt ra là: Đối với các khoản nợ của bố mẹ chưa thanh toán, những người con có phải tiếp tục trả nợ khi bố mẹ chết hay không?
Luật Kỳ Vọng Việt xin giải đáp như sau:
Điều 614 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.”
Những người thừa kế ở đây là người được hưởng thừa kế theo di chúc hợp pháp mà người chết để lại, nếu không có di chúc hợp pháp thì người thừa kế sẽ được xác định theo quy định của pháp luật, theo đó:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Những người thừa kế được hưởng di sản thì cũng phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho những người thừa kế thì phạm vi nghĩa vụ mà họ phải thực hiện sẽ phụ thuộc vào phần di sản mà họ được hưởng.
“Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết đã được giải đáp rõ ràng, khi một người chết đi thì những người được hưởng di sản sẽ phải có nghĩa vụ thanh toán nốt những nghĩa vụ tài sản còn lại do người chết để lại trong phạm vi tương ứng với phần di sản mà họ được hưởng. Không chỉ con phải trả nợ khi bố mẹ chết mà bất kỳ ai được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều phải thực hiện nghĩa vụ này.
Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!
Xem thêm: Các khoản tiền được đòi khi yêu cầu trả nợ