Đại đa số các gia đình từ nông thôn cho tới thành thị có nuôi chó, mèo hay các con vật khác để làm cảnh, để trông giữ nhà hoặc coi những vật nuôi này như một thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, không phải con vật nào cũng được huấn luyện cẩn thận để không gây thiệt hại cho chính gia chủ hay của những người sống xung quanh, thiệt hại ở đây có thể là về sức khỏe, tính mạng, tài sản. Vậy, trong trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác thì cần giải quyết như thế nào theo quy định của pháp luật? Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?
Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Như vậy, khi vật nuôi gây thiệt hại (sau đây gọi “vật nuôi” là “súc vật”), trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể thuộc về chủ sở hữu hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật hoặc người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật. Trong trường hợp súc vật gây ra thiệt hại do lỗi của người thứ ba thì người này cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường.
1. Các trường hợp chủ sở hữu súc vật phải chịu trách nhiệm bồi thường
– Chủ sở hữu súc vật sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại súc vật gây thiệt hại trong thời gian chủ sở hữu đang trực tiếp quản lý, sử dụng súc vật, kể cả khi chủ sở hữu không có lỗi trong việc quản lý súc vật dẫn tới súc vật gây thiệt hại.
Trừ trường hợp súc vật trong thời gian chủ sở hữu quản lý gây thiệt hại khi có lỗi của người thứ ba, thì tùy theo mức độ lỗi này để xem xét trách nhiệm bồi thường.
– Nếu súc vật gây thiệt hại khi không thuộc sự quản lý của chủ sở hữu thì chủ sở hữu vẫn phải bồi thường thiệt hại khi:
- Súc vật gây thiệt hại khi đang do người khác quản lý theo sự chuyển quyền của chủ sở hữu (người được thuê, người mượn, người trông giữ theo thỏa thuận). Chủ sở hữu súc vật sẽ phải chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm bồi thường nếu nghĩa vụ này có trong thỏa thuận giữa chủ sở hữu súc vật và người được giao quản lý súc vật;
- Súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật mà gây thiệt hại.
– Súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
2. Các trường hợp người có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại không phải chủ sở hữu súc vật
– Người được chủ sở hữu súc vật chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng súc vật thông qua một giao dịch (cho thuê, mượn, trông giữ,…) và người này sử dụng súc vật để phục vụ nhu cầu của mình hoặc được hưởng một khoản tiền công từ việc quản lý súc vật. Nếu súc vật gây ra thiệt hại thì người hiện được giao chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường.
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu hoặc trường hợp súc vật gây ra thiệt hại do lỗi của người khác (có thể là chủ sở hữu hoặc người thứ ba).
– Người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật phải chịu trách nhiệm bồi thường khi súc vật gây ra thiệt hại.
– Súc vật gây ra thiệt hại hoàn toàn do lỗi của người thứ ba (người này không thuộc các trường hợp đã nêu ở trên) thì người thứ ba này phải chịu trách nhiệm bồi thường.
– Súc vật gây ra thiệt hại hoàn toàn do lỗi của chính người bị thiệt hại.
3. Yêu cầu được bồi thường thiệt hại
Khi vật nuôi gây thiệt hại thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận và thống nhất được phương án bồi thương phù hợp thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân để yêu cầu được giải quyết.
Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!
Xem thêm: Các tình huống pháp lý thường gặp