THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tên thường gọi là “Sổ đỏ” hoặc “Bằng khoán” (sau đây được gọi chung là “Sổ đỏ”) là một loại giấy tờ rất quan trọng trong việc xác lập và bảo vệ quyền sử dụng đất của người dân. Vậy thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu được pháp luật quy định như thế nào? Trong bài viết này, Luật sư của Luật Kỳ Vọng Việt sẽ giải đáp một cách chi tết và dễ hiểu nhất.

1. Hồ sơ xin cấp Sổ đỏ lần đầu (*)

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (có một số từ được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT và Khoản 7 Điều 1 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT), hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
  • Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP);
  • Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất (đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Mẫu số 08a/ĐK và 08b/ĐK);
  • Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính;

Một số trường hợp đặc biệt:

  • Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh: Phải có thêm quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình; bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, trên địa bàn các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có tên đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
  • Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề: phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

2. Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ (*) tại UBND cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai

Bước 2: Giải quyết hồ sơ:

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

  • Thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (trường hợp chưa có bản đồ địa chính);
  • Xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; hoặc xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch (trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)
  • Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.

Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

– Gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả (như trên);

– Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);

– Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Cập nhật thông tin thửa đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);

– Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính; Chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tài nguyên và môi trường trình ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cập nhật bổ sung việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trực tiếp trao hoặc gửi về Ủy ban nhân dân xã để trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được cấp.

Bước 3. Trả kết quả

Người đăng ký nhận Sổ đỏ tại văn phòng đăng ký đất đai. Trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã thì sẽ nhận sổ đỏ tại xã.

Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết liên quan

090.225.5492