06 trường hợp không được ủy quyền trong dân sự

Trong thực tế, việc ủy quyền giúp tiết kiệm thời gian và thuận tiện trong xử lý công việc. Đặc biệt là khi cá nhân không thể trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, trong dân sự không phải việc gì cũng có thể ủy quyền được. Pháp luật dân sự Việt Nam quy định rõ một số trường hợp mang tính chất cá nhân đặc biệt. Do đó không thể chuyển giao cho người khác thông qua văn bản ủy quyền. Vậy những trường hợp nào không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự? Bài viết dưới đây của Luật Kỳ Vọng Việt sẽ giúp bạn nắm rõ 06 trường hợp cần lưu ý.

1. Không được ủy quyền để đăng ký kết hôn

📌 Căn cứ pháp lý: Điều 18 Luật Hộ tịch năm 2014.

Điều 18. Thủ tục đăng ký kết hôn

1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

Việc đăng ký kết hôn phải do hai bên trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Hai bên nam, nữ phải cùng có mặt khi đăng ký kết hôn. Và sẽ không được ủy quyền dưới bất kỳ hình thức nào.

2. Nộp đơn ly hôn hoặc tham gia thủ tục ly hôn

Ly hôn là quyền nhân thân gắn liền với từng cá nhân. Dù là thuận tình hay đơn phương, người yêu cầu phải trực tiếp ký đơn và tham gia phiên hòa giải, xét xử.

📌 Căn cứ pháp lý: Khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Pháp luật quy định rất rõ đối với việc ly hôn đương sự không được ủy quyền cho người khác. Đương sự phải trực tiếp tham gia chứ không được cử người thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn (khoản 2 Điều 51 Luật HNGĐ) thì họ là người đại diện.

3. Đăng ký nhận cha, mẹ, con 

📌 Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014.

Việc xác lập quan hệ huyết thống hoặc nhận nuôi con đòi hỏi ý chí tự nguyện từ các bên. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định. Ngoài ra người đó phải cung cấp chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Do đó, người đăng ký nhận cha, mẹ, con không thể ủy quyền cho cá nhân nào khác thực hiện thủ tục này.

4. Công chứng di chúc

📌 Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng 2024 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025).

Điều 58. Công chứng di chúc

1. Người lập di chúc không được ủy quyền cho người khác mà phải tự mình ký hoặc ký và điểm chỉ vào bản di chúc được công chứng. Trường hợp người lập di chúc không ký được và không điểm chỉ được thì việc lập di chúc phải có người làm chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này.

Người lập di chúc phải trực tiếp trình bày ý chí, ký, điểm chỉ trước công chứng viên. Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân người lập di chúc. Do đó, người lập di chúc không được ủy quyền cho người khác.

5. Không được ủy quyền để yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2

📌 Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp 2009.

2. Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 45 của Luật này; trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thể hiện đầy đủ thông tin án tích (kể cả án tích đã xóa). Do tính chất đặc biệt, chỉ người được cấp phiếu mới có quyền yêu cầu.

6. Không được ủy quyền khi người được ủy quyền có quyền và lợi ích hợp pháp đối lập với người ủy quyền

📌 Căn cứ pháp lý: Khoản 1, 2 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Trong tố tụng dân sự, người được ủy quyền phải không có lợi ích đối lập với người ủy quyền. Nếu quyền, lợi ích của hai bên đối lập nhau thì hai bên không thể thực hiện được việc ủy quyền. Quy định này nhằm đảm bảo tính khách quan và công bằng trong quá trình giải quyết tố tụng dân sự.

Như vậy,

Ủy quyền là công cụ pháp lý hữu ích nhưng không thể áp dụng cho mọi trường hợp. Những hành vi mang tính cá nhân, liên quan đến tình cảm, nhân thân hoặc ý chí riêng biệt sẽ không được ủy quyền trong lĩnh vực dân sự. Nếu không nắm rõ giới hạn này, bạn có thể vô tình thực hiện hành vi vi phạm. Khi đó giao dịch sẽ vô hiệu hoặc bạn không thể thực hiện được thủ tục cần thiết. Bạn hãy kiểm tra kỹ khi xử lý các thủ tục dân sự quan trọng. Hoặc tham khảo tư vấn từ luật sư để đảm bảo đúng pháp luật. 

Trên đây là nội dung tư vấn về 06 trường hợp không được ủy quyền trong dân sự. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ với Luật Kỳ Vọng Việt để được tư vấn, hỗ trợ một cách chính xác nhất.

Trân trọng cảm ơn!

Zalo: 090.225.5492

Xem thêm:

Bài viết liên quan

090.225.5492