03 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SỔ ĐỎ HỘ GIA ĐÌNH

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tên thường gọi là “Sổ đỏ” hoặc “Bằng khoán” (sau đây được gọi chung là”sổ đỏ”) là một giấy tờ rất quan trọng với hầu hết người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu đúng về sổ đỏ hộ gia đình. Thông qua bài viết này, Luật sư Luật Kỳ Vọng Việt sẽ gửi đến Quý Khách 03 điều cần biết về sổ đỏ hộ gia đình.

1. Sổ đỏ hộ gia đình là gì?

Sổ đỏ hộ gia đình là sổ đỏ cấp cho hộ gia đình sử dụng đất theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013, bao gồm:

– Những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, và:

– Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

2. Sổ đỏ hộ gia đình sẽ ghi tên ai?

Theo quy định tại Điểm c, khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT:

“1. Ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo quy định sau:

……

  1. c) Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.”

Như vậy, sổ đỏ hộ gia đình sẽ ghi tên của chủ hộ gia đình hoặc người đại diện là thành viên của hộ gia đình nếu chủ hộ không có chung quyền sử dụng đất của hộ.

3. Lưu ý khi giao dịch đất hộ gia đình

Khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:

  1. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.

Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định như sau:

  1. Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi giao dịch đất hộ gia đình phải lưu ý 02 điểm:

– Phải có văn bản đồng ý có chữ ký của tất cả các thành viên của hộ gia đình sử dụng đất đó về việc giao dịch.

– Văn bản đồng ý bắt buộc công chứng hoặc chứng thực theo quy định.

Nội dung tư vấn trên nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật, nghiên cứu khoa học. Các trích dẫn có thể hết hiệu lực ở thời điểm Quý Khách xem bài viết này. Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900 633 298 để được tư vấn miễn phí và được hỗ trợ một cách chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết liên quan

090.225.5492